CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN SLAND.VN

0707992829

Quy trình chống thấm đá tự nhiên trước khi ốp lát

25/07/2019

Tại sao cần phải chống thấm cho đá tự nhiên?

Quy trình chống thấm đá tự nhiên trước khi ốp lát

Với đặc tính bền, màu sắc bắt mắt, khả năng chống trầy xước tốt, ít bị bào mòn, đá tự nhiên được sử dụng khá phổ biến khi ốp lát nhà cửa. Tuy nhiên, để kéo dài tuổi thọ cũng như tính thẩm mỹ của đá, gia chủ cần quan tâm đến việc chống thấm cho đá.

Tại sao cần phải chống thấm cho đá tự nhiên?

Đá granite, đá marble là hai loại đá tự nhiên được sử dụng nhiều nhất để ốp lát mặt tiền, sảnh, cầu thang, bàn bếp… Đá tự nhiên thường ít bị ảnh hưởng bởi tải trọng nhưng lại bị ăn mòn bởi các phản ứng hóa học xảy ra giữa đá với các chất có trong môi trường. Cụ thể, thành phần chính của đá tự nhiên là Ca và CaCO3 nên bề mặt có nhiều lỗ rỗng, dễ dẫn đến hiện tượng thấm nước. Độ thấm hút nước của đá dao dộng trong khoảng từ 0,5% đến 4%. Từ các lỗ rỗng đó, các loại bụi bẩn sẽ tích tụ trên bề mặt đá, tạo môi trường để vi khuẩn phát triển và phá hoại đá bằng loại axit do chúng tiết ra.


Không gian sang trọng, hiện đại hơn với đá marble. Ảnh: Internet

Hơn nữa, khi lát sàn bằng đá tự nhiên, việc đi lại nhiều cũng sẽ khiến đá dễ bị xỉn màu, trầy xước và mất đi độ bóng ban đầu. Chính vì vậy, việc vệ sinh hợp lý và chống thấm cho đá là điều cần thiết để bảo vệ bề mặt đá, ngăn nước thấm sâu vào bên trong, hình thành các vết ố trên bề mặt. Hiểu về đặc tính của đá tự nhiên sẽ giúp việc lựa chọn và thi công chống thấm đạt được hiệu quả cao nhất.

 

Đá granite (đá hoa cương)

Đá marble (đá cẩm thạch)

Nguồn gốc

Được hình thành từ nham thạch

Là kết quả của quá trình biến chất từ đá vôi

Màu sắc

Không đa dạng, chủ yếu là những màu tối, màu sẫm

Đa dạng hơn, vân tự nhiên sinh động và màu sắc tươi tắn hơn

Độ cứng

Cấu tạo chất đá rắn chắc, cứng, có độ bóng cao

Cấu tạo chất đá mềm và độ bóng kém hơn đá granite

Khả năng
chống thấm

Chống thấm nước khá tốt, không bị ẩm mốc

Chống thấm nước kém hơn đá granite

Khả năng
 chống xước

Do có kết cấu chắc chắn nên khả năng chống xước của đá granite tốt hơn

Khả năng chống xước không tốt

Thi công

Độ cứng cao nên khó thi công

Khá mềm và có tính dẻo nên dễ thi công hay uốn cong

Không gian
thích hợp

Không gian mang phong cách cổ điển

Không gian mang phong cách hiện đại

Chi phí

Nguồn sẵn có trong nước nên chi phí thấp, tối thiểu khoảng 400.000 đồng/m2

Kiểu dáng hiện đại, sang trọng nên chi phí cao hơn, tối thiểu khoảng 600.000 đồng/m2

Việc chống thấm cho đá trước khi thi công là công đoạn vô cùng quan trọng nhằm hạn chế các tác động lên bề mặt đá. Mỗi loại vật liệu và vị trí thi công khác nhau sẽ cần sử dụng những loại dung dịch chống thấm chuyên dụng để đạt hiệu quả cao nhất. Những tiêu chí để chọn được chất chống thấm tốt nhất gồm: có thương hiệu rõ ràng, trong suốt, không màu, không gây độc hại, không cháy, ngăn được nước và các dung dịch ngấm vào đá, khi quét thử sẽ thẩm thấu sâu vào đá và hình thành một lớp màng chắn bên dưới bề mặt đá chứ không phải trên bề mặt đá, bề mặt đá sau khi được quét vẫn giữ nguyên màu sắc.

Về công tác chuẩn bị trước khi tiến hành chống thấm, bạn cần chọn nơi thi công sạch sẽ, có mái che, đồng thời chuẩn bị sẵn vải mềm có khả năng thấm hút nước và cọ sơn. Bên cạnh đó, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo đá phải sạch và khô, chưa qua xử lý bằng bất kỳ hóa chất nào khác trước khi chống thấm.


Chống thấm đá tự nhiên trước khi thi công là việc làm quan trọng. Ảnh: Internet

Quy trình chống thấm đá sẽ gồm 3 bước chính:

Bước 1: Lắc đều bình chứa dung dịch chống thấm và rót ra thau đựng.

Bước 2: Dùng cọ hoặc vải mềm để quét chất chống thấm lên trên, dưới và xung quanh viên đá. Tùy vào độ thẩm thấu của vật liệu, bạn nên quét từ 1-3 lớp. Lớp đầu tiên rất quan trọng nên cần quét dày, kỹ và đều tay. Mỗi lần quét cách nhau 5 phút. Sau khoảng 3 phút từ khi quét lớp cuối cùng, bạn dùng vải mềm lau khô hóa chất còn đọng lại trên bề mặt để tránh để lại vết loang trắng.

Bước 3: Giữ khô khu vực được quét chống thấm tối thiểu 10-12 tiếng. Sau 24 tiếng, sản phẩm sau khi quét hóa chất sẽ đạt được hiệu quả.

Cách kiểm tra hiệu quả chống thấm

Sau khi hoàn thành việc thi công, cách đơn giản nhất để kiểm tra hiệu quả chống thấm là nhỏ vài giọt nước lên bề mặt đá và quan sát. Nếu nước tạo thành giọt nhỏ lăn tròn trên bề mặt đá thì việc chống thấm đã đạt hiệu quả. Ngược lại, nếu nước không nổi thành giọt mà ngấm ngay vào bên trong thì đá cần phải được chống thấm lại.

Sau bao lâu cần chống thấm lại?

Nếu việc chống thấm thực hiện đúng phương pháp với chất chống thấm có chất lượng tốt và việc sử dụng, vệ sinh đảm bảo đúng như nhà cung cấp hướng dẫn, bề mặt đá sẽ được bảo vệ khoảng 5 năm.

Sau 5 năm, khi chống thấm lại, trước khi quét lớp chống thấm mới, bạn phải loại bỏ lớp chống thấm cũ để đạt hiệu quả tốt nhất. Khi đó, bề mặt đá vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa đảm bảo chất lượng mà không có bất cứ sự thay đổi nào về vật liệu chính.


Chống thấm đá đúng phương pháp giúp kéo dài tuổi thọ và tăng tính thẩm mỹ
cho công trình. Ảnh: Internet

Những lưu ý khi chống thấm đá tự nhiên

Việc chống thấm đá tự nhiên trước khi thi công nếu không thực hiện đúng cách sẽ khiến bề mặt đá nhanh xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn, từ đó làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cả công trình. Do đó, để đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian lâu nhất, bạn cần lưu ý những vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, bạn có thể thử chống thấm ở khu vực nhỏ và theo dõi trong 24 giờ. Sau đó, bạn cho viên đá đã quét chất chống thấm vào thùng nước và quan sát. Nếu viên đá không bị thay đổi, màu sắc vẫn như nguyên bản thì chất chống thấm đã phát huy hiệu quả.

Thứ hai, bạn cần chống thấm cả những vết cắt mài cạnh đá. Khi thi công, để có những viên gạch vừa vặn với diện tích ốp lát, việc phải cắt mài viên gạch là điều khó tránh khỏi. Khi đó, dù đã chống thấm cho cả viên gạch nhưng nếu không chống thấm tại vết cắt mài thì nước vẫn có thể ngấm vào bên trong.

Thứ ba, bạn không nên bôi chất chống thấm khi đang phơi đá và không phơi ngay sau khi vừa bôi chất chống thấm. Khu vực đã quét hóa chất cần được giữ khô ráo trong nhà có mái che, thông thoáng khí.

Thứ tư, đá phải được vệ sinh sạch sẽ, để khô hoàn toàn trước khi quét chống thấm và tối thiểu sau 6-24 giờ quét chống thấm mới được thi công. Điều này sẽ giúp lớp chống thấm phủ lên bề mặt đá được bền chắc nhất.

Thứ năm, sau khi ốp lát, không nên dùng các chất tẩy rửa, chất chứa axit, dấm, chanh… để tẩy vết bẩn trên bề mặt đá, đặc biệt với đá marble nhằm tránh làm ảnh hưởng đến kết cấu đá.

Dù đã chống thấm cho đá tự nhiên nhưng để duy trì độ bền cho đá, bạn cần bảo dưỡng thường xuyên, hạn chế tối đa nước và chất lỏng trên bề mặt đá. Nếu vô tình làm đổ nước hay các chất lỏng trên bề mặt đá, bạn cần lau sạch ngay lập tức.

Quang Huy

(Theo Tuổi trẻ Online)
 

 

Công cụ tìm kiếm

Bất Động Sản Nổi Bật

Dữ liệu đang cập nhật!

Cần Mua - Cần Thuê

Dữ liệu đang cập nhật!