CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN SLAND.VN

0707992829

Hướng dẫn tự sơn ngoại thất nhà vừa đẹp, vừa tiết kiệm

25/07/2019

Là một phần quyết định vẻ đẹp ngôi nhà nhưng lớp sơn ngoại thất phải tiếp xúc trực tiếp với các nhân tố của môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, nắng, mưa, gió… nên dễ bị hư tổn. Do vậy, khi muốn tự sơn nhà nhằm tiết kiệm chi phí, bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, quy trình kỹ thuật.

Khi nào cần sơn nhà?

Khi bạn vừa hoàn thành công đoạn trát tường nhà mới, màu sơn cũ đã nhạt dần theo thời gian hay bạn muốn thay đổi diện mạo mái ấm của mình, đây chính là lúc bạn nên sơn nhà. Ngoài ra, nếu thấy những vết nứt bắt đầu xuất hiện trên tường thì một lớp sơn mới là cách hiệu quả nhất để che đi những vết nứt “kém sang” đó và bảo vệ công trình không bị thấm nước, ẩm mốc.

tường phồng rộp
Diện tường bong tróc, phồng rộp báo hiệu đã đến lúc nên sơn lại nhà.

Có một quy tắc bất thành văn là chúng ta nên sơn lại bên ngoài nhà khoảng 8 năm một lần. Trên thực tế, chỉ sau khoảng 4-5 năm, nhiều gia chủ đã lên kế hoạch sơn lại nhà vì bụi bám vào tường, do thời tiết hoặc do va chạm vào tường khi di chuyển đồ đạc…

Chi phí sơn nhà

Chi phí sơn nhà phụ thuộc vào diện tích mặt tường ngôi nhà, thời gian cho ngày công thợ và loại sơn bạn lựa chọn, có thể dao động từ vài chục triệu đến trăm triệu hoặc hơn thế. Thông thường, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, chi phí sơn mỗi mét vuông tường từ 80.000-100.000 đồng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần dự trù thêm chi phí cho sơn lót, bột bả matit và các dụng cụ hỗ trợ.

Thời gian tô trát toàn bộ ngôi nhà là bao lâu?

Bạn sẽ mất khoảng 3-5 ngày để sơn ngôi nhà có tổng diện tích mặt tường là 600m2, bao gồm cả công đoạn khảo sát và chuẩn bị.

Lựa chọn màu sắc sơn

Màu của sơn gồm một số màu gốc, các màu khác có được là do pha chế từ màu gốc. Hầu hết các hãng sơn trên thị trường hiện nay đều cung cấp bảng màu phong phú để đáp ứng nhu cầu, sở thích đa dạng của khách hàng.

màu sơn
Nên chọn màu sơn phù hợp với phong cách kiến trúc của ngôi nhà.

Một tiêu chí cơ bản mà phần đông người Việt ai cũng quan tâm là lựa chọn màu chủ đạo theo mệnh của chủ nhà. Chẳng hạn, người mệnh Hỏa nên chọn tông màu nóng, người mệnh Mộc hợp với màu xanh lá cây, mệnh Kim nên chọn màu trắng, vàng lục…

Mặt khác, bạn cũng nên căn cứ vào hướng nhà để lựa chọn màu sơn phù hợp nhất. Nếu nhà ở hướng Đông hoặc Tây, bạn nên chọn màu sơn tông lạnh để trung hòa ánh nắng chiếu vào nhà. Ngược lại, bạn có thể dùng các tông màu nóng, ấm, bắt mắt nhằm xua đi vẻ tối tăm của những ngôi nhà ở hướng Bắc hay Nam.

Tất nhiên, dù chọn màu sơn nào cũng cần đảm bảo sự hài hòa với phong cách kiến trúc, tổng thể công trình và với những ngôi nhà lân cận.

Hệ thống sơn

Một hệ thống sơn đầy đủ bao gồm:

  • Bả matit làm phẳng bề mặt: Khi lựa chọn bột trét hãy quan tâm tới độ bám dính. Không nên mua bột trét chất lượng thấp vì sẽ làm ảnh hưởng đến độ bền, tiến độ thi công cũng như chi phí của cả dự án sơn nhà. Bạn có thể bả một lớp hay hai lớp tùy thuộc vào công trình, điều kiện khí hậu.
  • Sơn lót: Công dụng của sơn lót là chống thẩm thấu, ngăn kiềm, ngăn ẩm.
  • Sơn phủ: Có tác dụng bảo vệ và trang trí, là yếu tố chính quyết định diện mạo ngôi nhà.

Nên lựa chọn loại sơn nào?

Tiêu chuẩn đàn hồi chính là tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn sơn. Loại sơn có độ đàn hồi cao thường dày và đồng nhất hơn so với sơn thông thường. Theo thời gian, lớp sơn khô sẽ tạo thành những kẽ hở cho phép nước mưa thấm vào nhà tạo nên nấm mốc. Do vậy, sơn đàn hồi lúc này có tác dụng che phủ các vết nứt, từ đó ngăn ngừa nước mưa thấm vào nhà. Giá của loại sơn này đắt hơn so với sơn trong nhà. Hơn nữa, khi lựa chọn loại sơn này, bạn cũng phải sơn 2, 3 lần để sơn phát huy hiệu quả tốt nhất. Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu mà bạn lựa chọn loại sơn đàn hồi nhiều hay ít.

sơn mờ
Sơn mờ không làm lộ khuyết điểm trên bề mặt tường.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét về độ bóng của sơn. Với sơn ngoại thất, chúng ta nên chọn sơn mờ vì loại sơn này có thể che đi khuyết điểm của mặt vữa. Trong khi đó, sơn có độ bóng cao sẽ làm lộ các khuyết điểm của bề mặt tường như nứt nẻ hay sần sùi, lồi lõm. Khi chưa chắc chắn về độ bóng của sơn, bạn nên tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm.

Xác định lượng sơn sẽ mua

Mỗi loại sơn có đặc tính kỹ thuật và độ phủ khác nhau nên việc hiểu sâu từng loại sẽ giúp bạn xác định tương đối chính xác lượng sơn cần mua.

Chuẩn bị dụng cụ

Các dụng cụ hỗ trợ góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo quá trình sơn nhà đảm bảo an toàn và chất lượng. Bạn nên chuẩn bị cho mình những dụng cụ như: giàn giáo, thang, cây lăn tường, cọ, đồ bảo hộ, giấy nhám hoặc máy chà nhám, dụng cụ cạo sơn, khăn sạch, băng dính, khay đựng con lăn…

Quy trình sơn

Chuẩn bị bề mặt tường

Trước khi tô trát và sơn bên ngoài, bạn cần cất gọn gàng các vật dụng quanh nhà, đóng chặt các cửa sổ và đưa vật nuôi vào nhà bởi quá trình sơn sẽ gây ra rất nhiều bụi. Bạn có thể trải bạt hay một lớp cát để tránh sơn rơi vãi trên nền đất quanh nhà.

Tường khi sơn phải đảm bảo hai yếu tố là sạch và khô. Bề mặt sạch là bề mặt không còn dầu mỡ, bụi bẩn, bụi phấn, rong rêu hay bất cứ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của màng sơn. Độ ẩm tường đạt dưới 16% khi đo bằng máy đo độ ẩm là lý tưởng nhất.

tường bong tróc
Mọi diện tường nứt nẻ, bong tróc đều phải được xử lý kỹ lưỡng để làm tăng độ bám dính cho màng sơn.

Để đảm bảo sơn bám chắc và mịn trên bề mặt tường, việc loại bỏ bụi bẩn và các dị vật tích tụ trên tường là việc làm hết sức quan trọng. Thông thường, với nhà mới, chỉ cần làm sạch tường đơn giản giấy nhám hoặc đá mài, sau đó quét hết bụi bẩn. Tuy nhiên, với nhà cũ, tại diện tường bị bám rong rêu hay vết bẩn cứng đầu, bạn sẽ cần tới sự hỗ trợ của vòi nước, bàn chải hay máy phun rửa áp lực cao. Đối với bề mặt tường bị lỗ hổng, nứt nẻ, phồng rộp hay bong tróc thì phải cạo sạch phần tường đó rồi trám trét lại bằng bột trét, để khô.

Xử lý chống thấm, chống ẩm

Cần xử lý tất cả các lỗi liên quan đến chống thấm, chống ẩm trên diện tường trước khi sơn. Một khi đã sơn xong mà vẫn tồn tại các lỗi trên tường, lớp sơn có thể nhanh chóng bị hỏng khiến ngôi nhà trở nên xấu xí. Nên xử lý chống ẩm bằng sơn lót chống ẩm chuyên dụng, sơn chống thẩm thấu.

Cùng với đó, phải xác định nguyên nhân gây thấm để có phương án xử lý triệt để vì đây chính là yếu tố dẫn đến lỗi sơn nhanh nhất. Bạn có thể thực hiện bước này trước cả khi làm vệ sinh tường.

Thi công bột bả

Công dụng của bả bột trét là làm phẳng bề mặt, giúp lớp sơn phủ được đẹp và đồng đều hơn. Việc sử dụng bả cũng làm giảm chi phí sơn vì khi diện tích bề mặt bằng phẳng, lượng sơn sử dụng để lót hoặc phủ sẽ ít hơn.

Sơn lót

Sơn lót có tác dụng chống tác động trực tiếp từ môi trường như hóa chất, hơi ẩm… lên lớp sơn phủ nhằm hạn chế hư hỏng. Trên thị trường có các loại sơn lót là sơn lót thường và sơn lót chuyên dụng chống thẩm thấu, chống kiềm, chống xâm thực… Có thể pha thêm 5-10% dung môi (nước sạch) nhằm gia tăng độ phủ tối đa và giúp quá trình thi công dễ dàng hơn.

Như đã đề cập ở trên, hệ thống sơn nhà được các chuyên gia khuyến nghị bao gồm 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn phủ. Tuy nhiên, tùy vào mục đích sử dụng công trình và điều kiện kinh tế mà bạn có thể sử dụng 2 lớp sơn lót.

Sơn phủ hoàn thiện

Đây là bước cuối cùng. Sơn phủ có tác dụng trang trí và bảo vệ. Nên pha loãng sơn với 5-10% dung môi (nước sạch) để đạt độ phủ tối đa.

Quá trình thi công sơn tỉ mỉ, đều tay, tránh chỗ dày, chỗ mỏng sẽ tạo nên độ bền, đẹp cho công trình. Dụng cụ phù hợp cho việc sơn thường là con lăn và cọ. Với các góc, viền hay chi tiết phức tạp, bạn có thể dùng cọ để đường sơn chính xác hơn. Khi làm việc ở các bức tường bằng phẳng, lớn thì nên dùng con lăn để tiết kiệm thời gian và giúp bề mặt tường phẳng mịn hơn. Ở vị trí mép cửa hoặc tiếp giáp giữa hai màu sơn, bạn nên sử dụng băng dính giấy để dán ngăn không cho sơn dính ra cửa và đảm bảo đường tiếp xúc giữa hai màu thẳng và sắc nét hơn.

dụng cụ sơn
Hãy căn cứ vào khu vực làm việc để chọn dụng cụ sơn tối ưu nhất.

Khi sơn, hãy bắt đầu từ chỗ khó trước rồi mới sơn chỗ dễ sau. Nên đưa chổi quét hoặc con lăn chéo từ dưới lên trên và kéo thẳng từ trên xuống dưới để đảm bảo lớp sơn đều và độ phủ cao. Lặp lại như vậy cho đến khi hết bề mặt tường. Lưu ý, khoảng cách 2 các lớp sơn từ 2-4 giờ là lý tưởng nhất.

Vệ sinh và dặm vá sau sơn

Đây là bước hoàn thiện và không kém phần quan trọng. Trong quá trình sơn sẽ không tránh khỏi những lỗi kỹ thuật, bụi bám vào bề mặt sơn hay va đập. Vì thế, bạn cần rà soát kỹ lưỡng từng vị trí đã sơn và chỉnh sửa lại cho đồng nhất.

Ngoài ra, sau khi sơn xong, điều khó chịu nhất với bất cứ ai chính là mùi hóa học vương vất khắp nhà. Chưa kể, một số loại sơn còn có chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) gây kích ứng đường hô hấp, ảnh hưởng đến phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Do vậy, sau khi sơn nhà xong, tốt nhất sau một tuần mới nên dọn vào ở. Khoảng thời gian này, bạn nên khử mùi hắc nồng của sơn để hạn chế nguy cơ dị ứng, đau đầu, khó chịu… bằng các biện pháp khác nhau.

Lưu ý điều kiện thời tiết

Điều kiện thời tiết với các nhân tố như nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí, nắng mưa… có ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tính thẩm mỹ của lớp sơn. Đặc biệt ở bên ngoài, tác động của thiên nhiên đến màng sơn càng mạnh mẽ hơn nhiều, từ khả năng co giãn với sự thay đổi nhiệt độ, khả năng chịu nhiệt bởi ánh nắng… Do vậy, nên lưu ý:

  • Vào những ngày trời nắng to, bạn không nên tiến hành sơn ngoại thất để tránh lớp sơn kém đồng đều và bong tróc. Bởi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, lớp sơn sẽ khô nhanh hơn và để lại vết con lăn/vệt chổi trên mỗi đường sơn, như vậy bạn rất khó sửa chữa lớp sơn bị lỗi vì sơn đã khô. Hơn nữa, việc sơn khô quá nhanh cũng làm giảm độ bền và độ bám của sơn.
  • Một yếu tố thời tiết nữa không thể bỏ qua đó là gió. Hãy chọn những ngày gió lặng để sơn nhà và tránh những ngày gió to. Tương tự như ánh nắng mặt trời, gió to sẽ làm sơn khô nhanh hơn. Ngoài ra, gió thường cuốn theo bụi bẩn làm bám dính lên lớp sơn còn ướt, làm mất độ mịn của tường và giảm tính thẩm mỹ của công trình.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng phải chú ý đến nhiệt độ thấp nhất và nhiệt độ cao nhất mà hãng sơn khuyến cáo. Thông thường, mỗi loại sơn sẽ có nhiệt độ phù hợp khác nhau, dao động từ 10-35 độ C. Sơn khô tốt nhất khi độ ẩm môi trường vào khoảng 40-70%. Sơn trong điều kiện nhiệt độ quá thấp hay quá cao đều sẽ khiến sơn không kết dính tốt và dễ bong tróc.
  • Và tất nhiên, không nên sơn tường nhà vào những ngày được dự báo có mưa bởi lớp sơn sẽ bị nước mưa cuốn trôi đi.

 

 

 

Quang Huy

(Theo Tuổi trẻ Online)
 

Công cụ tìm kiếm

Bất Động Sản Nổi Bật

Dữ liệu đang cập nhật!

Cần Mua - Cần Thuê

Dữ liệu đang cập nhật!