09/08/2019
vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành vật liệu, xi măng là tạo ra “bệ phóng” phát triển hiệu quả cho doanh nghiệp.
Nhờ các thương vụ M&A, ngành xi măng đã vực dậy một loạt doanh nghiệp yếu kém thuộc danh sách phải “khai tử” vì không đủ khả năng đứng một mình.
M&A là một đích ngắm
Ngành vật liệu xây dựng với các mảng sản xuất lớn, từ đá xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, tấm lợp, xi măng, sắt thép… của Việt Nam đang có hàng ngàn doanh nghiệpđủ quy mô từ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn, đến các doanh nghiệp FDI, liên doanh.
Những năm gần đây, sự dịch chuyển vốn và đổi chủ thông qua các thương vụ M&A trong ngành này diễn ra nhiều hơn, trong đó xi măng là mảng lọt tầm ngắm M&A nhiều nhất.
Như một dòng chảy tất yếu, ở đâu có tiềm năng tăng trưởng sản xuất và lợi nhuận, sẽ hút dòng tiền chảy vào để đầu tư. Nhìn vào động thái của các nhà sản xuất có tiềm lực, M&A trong ngành xi măng tiếp tục được để mắt trong thời gian tới, bất chấp việc cạnh tranh trong ngành sản xuất này khá căng thẳng bởi cung đang lớn hơn cầu vài chục triệu tấn.
Ngay sau khi hoàn tất thương vụ mua lại hơn 70% cổ phần tại Công ty cổ phần Xi măng FICO, ổn định sản xuất kinh doanh và đổi tên thành Fico-YTL, chưa đầy 1 năm, ông chủ mới là Tập đoàn YTL của Malaysia tiết lộ, đã sẵn sàng cho việc đầu tư mở rộng sản xuất, cũng như nắm bắt các cơ hội M&A mới.
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico-YTL cho hay, bước ngoặt lớn đối với doanh nghiệp là việc Tập đoàn YTL của Malaysia tham gia làm cổ đông chiến lược vào tháng 12/2018. Từ sau thời điểm này, Fico-YTL đã thay đổi đáng kể dưới sự điều hành của Tập đoàn YTL.
Cụ thể, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của Fico-YTL cho thấy, lợi nhuận trước thuế và khấu hao (EBITDA) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018 và đang có chiều hướng rất tốt. Dự kiến EBITDA của năm 2019 sẽ cao hơn 20% so với năm ngoái.
Hệ thống tài chính của Xi măng Fico-YTL cũng được củng cố thông qua việc tăng vốn điều lệ, kiểm soát dòng tiền chặt chẽ. Điểm nổi bật là Công ty hiện không có nợ vay.
Ngành xi măng Việt Nam với đặc thù có quá nhiều thương hiệu, quá nhiều đầu mối và nhiều dây chuyền sản xuất nhỏ, dù tổng quy mô năng lực sản xuất có thể đạt đến 120 triệu tấn, nhưng vì quá nhiều thương hiệu cũng chính là điểm yếu trong cạnh tranh. Hạn chế này được cho là sẽ tạo cơ hội cho các vụ M&A thời gian tới để lập lại trật tự cần thiết cho ngành phát triển bền vững trong tương lai.
Sở hữu 10 doanh nghiệp xi măng với khả năng sản xuất 30 triệu tấn/năm, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang hoàn tất các phần việc cuối cùng để cổ phần hóa. Trong chiến lược phát triển, Vicem khẳng định sẽ mở rộng sản xuất, trong đó có tính đến mua lại doanh nghiệp chứ không đầu tư mới.
Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem phân tích, nâng cao năng lực sản xuất, nhưng phải là hướng đầu tư khác giai đoạn trước, sẽ mở rộng theo cách khôn ngoan hơn, chỗ nào lợi thế thì Vicem sẽ nhảy vào. “M&A là một đích ngắm, tạo động lực để phát triển sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Minh nói.
Giải thích cho hướng mở rộng bằng M&A, ông Minh cho biết, cấu trúc trong ngành phải ít thương hiệu. Việt Nam đang có vài chục thương hiệu xi măng, gây khó khăn cho người tiêu dùng, những doanh nghiệp nhỏ khó có khả năng cạnh tranh và việc chấp nhận M&A là tất yếu.
Bệ phóng tăng trưởng
Việt Nam có khả năng sản xuất khoảng 120 triệu tấn xi măng/năm, với hơn 60 nhà máy, trong khi Thái Lan có công suất xi măng gần 60 triệu tấn với 5 nhà sản xuất.
Điều đáng nói, ngành xi măng có tới 2/3 dây chuyền sản xuất xi măng có công suất 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng toàn ngành. Trong khi xu hướng thế giới cho thấy, quy mô nhỏ nhất của một nhà máy xi măng để đảm bảo tính cạnh tranh phải là 2 triệu tấn/năm và quy mô một doanh nghiệp xi măng khoảng 5-10 triệu tấn/năm mới đảm bảo hiệu quả dài hạn thông qua tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư vào công nghệ mới...
Sự manh mún của thị trường do việc đầu tư ồ ạt dàn trải vào xi măng và dẫn đến nhiều hệ lụy như năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư của ngành thấp và hạ thấp các tiêu chuẩn hoạt động, bao gồm bảo vệ môi trường. Bởi vậy, việc sắp xếp lại ngành thông qua các thương vụ M&A là một hướng đi hiệu quả.
Nhìn lại chặng đường phát triển xi măng trong một thập kỷ gần đây, sau thời gian tăng trưởng nóng, nhờ các thương vụ M&A, ngành này đã vực dậy một loạt doanh nghiệp yếu kém thuộc danh sách phải “khai tử” vì không đủ khả năng đứng một mình (Vissai mua Xi măng Đồng Bành, Xi măng Đô Lương, Xi măng Dầu khí 12/9).
Vai trò của Vissai khi mua lại các dự án này được nhìn thấy rõ. Đơn cử, với Xi măng 12/9, thời điểm Vissai mua lại, dự án này trong tình cảnh đầu tư dở dang, không có vốn hoàn thiện. Vissai đã đổ vốn để vực dậy dự án này, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ các khoản vốn, lãi vay đầu tư trước đó.
Hoặc đơn giản là sáp nhập các thương hiệu mạnh để trở nên khỏe hơn như Holcim về với Tập đoàn SCCC (Thái Lan), Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng (công ty thành viên của Tập đoàn SCG) mua lại 100% vốn cổ phần (tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông VCM tại Xi măng Sông Gianh.
Đến nay, SCG đã vận hành và đẩy công suất nhà máy xi măng Sông Gianh hiệu quả tối ưu hơn, giúp cải thiện tổng công suất nhà máy.
Việt Nam đang có vài chục thương hiệu xi măng, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Những doanh nghiệp nhỏ khó có khả năng cạnh tranh và việc chấp nhận M&A là tất yếu
Quang Huy
Theo baodautu.vn