30/12/2020
Lãnh đạo Phát Đạt, Hưng Thịnh Land cho rằng sự chuyển dịch ra vùng ven tạo cơ hội lớn với doanh nghiệp có nền tảng và tăng trưởng ổn định. CEO Thắng Lợi Group nói "sân chơi" 2021 khá sôi động, cơ hội thị trường vùng ven rất lớn nhưng thách thức ở nguồn cung, giá cả... Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng ngành xây dựng có khả năng phục hồi từ nửa cuối 2021 nhờ nhiều yếu tố vĩ mô và kỳ vọng dịch được kiểm soát.
Thị trường 2021 có nhiều cơ hội lẫn thách thức. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, nói năm 2021 sẽ có nhiều thách thức, bao gồm lượng tiền bơm vào nền kinh tế nhiều trong thời gian ngắn đặt ra vấn đề kiểm soát lạm phát. Người dân, nhà đầu tư sẽ “né” lạm phát bằng cách đưa tiền vào tài sản. Cơ hội cho Việt Nam nằm ở việc kiểm soát dịch bệnh và phát triển thị trường bất động sản công nghiệp dựa trên lợi thế chiến tranh thương mại dẫn đến dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Ông hy vọng năm sau, kinh tế cả nước sẽ nhiều cú huých phát triển, đây cũng là năm mở đầu cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.
Về sự chuyển dịch của doanh nghiệp bất động sản ra vùng ven, CEO Phát Đạt cho rằng chiến lược linh hoạt này diễn ra trong thời kỳ khó khăn. Đó cũng là lý do Phát Đạt thành công trong phát triển ở thị trường Quy Nhơn, Bình Định. Bởi ngoài phát triển về hạ tầng, nơi đây còn phát triển thành công cả về kinh tế và du lịch. “Trong giai đoạn này, Phát Đạt càng phải đặt mục tiêu phát triển hơn nữa và tấn công chứ không phòng thủ”, ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, đồng quan điểm về tình hình vĩ mô hiện là một cơ hội lớn để phát triển, không thể bỏ qua. Công ty ông đã tận dụng cơ hội này. Trong năm vừa qua, 10.000 sản phẩm được bán, doanh nghiệp cũng bỏ ra hơn chục nghìn tỷ đồng để M&A các dự án khác. Vì vậy, thời gian vừa qua được xem là cơ hội lớn để cho các doanh nghiệp có nền tảng ổn định và tăng trưởng hơn.
Ông thừa nhận Hưng Thịnh là một trong những doanh nghiệp đầu tiên buộc phải linh hoạt ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh. Cơ sở hạ tầng được phát triển khá tốt trong những năm qua là tiền để cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn hoạt động, ví dụ như những khu vực Lâm Đồng, Bình Định, Quy Nhơn…
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group, nhận định năm 2021 đầy thách thức nhưng cũng rất nhiều cơ hội. Thách thức về thị hiếu của khách hàng, về nhu cầu nguồn cung, các chính sách kích cầu từ chính quyền, cạnh tranh về giá cả nhưng sẽ là cơ hội cho các chủ đầu tư kinh doanh tử tế, đặt cả tâm huyết của mình vào từng sản phẩm. Với các chính sách thu hút đầu tư, chính sách giãn dân ra khu đô thị vệ tinh TP HCM, hạ tầng được đầu tư phát triển song song thì cơ hội cho các đô thị vùng ven là rất lớn. Đặc biệt, nội đô TP HCM hiện đang khan hiếm nguồn cung, quỹ đất gần như không còn nhiều thì “sân chơi” trong năm 2021 vẫn rất sôi động và thu hút các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư trong ngành BĐS.
Đối với lĩnh vực xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nói trong năm sau sẽ có nhiều khởi sắc từ nhiều yếu tố được nhìn thấy rõ. Trước hết, làn sóng đầu tư của nước ngoài vào khu công nghiệp (KCN) có sự tăng trưởng, giá thuê đất tăng cao, nhiều khách thuê hơn và nhiều dự án được triển khai. Nhà nước cũng đang dần có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn thủ tục pháp lý đầu tư dự án, mới đây nhất là quy định về 10 loại công trình không phải xin giấy phép xây dựng. Nhu cầu về nhà ở của người dân cũng được dự báo tăng cao cùng với quá trình đô thị hóa nở rộ, nhất là tại các thành phố lớn.
Ông Hải nhấn mạnh một điều đặc biệt khác là Nhà nước đang thúc đẩy đầu tư công, nhiều công trình được rót vốn đầu tư, tạo động lực phát triển nền kinh tế... Thời điểm ngành xây dựng có thể phục hồi là từ giữa năm 2021 trở đi, khi kết hợp được các yếu tố kể trên và dịch bệnh được kiểm soát.