24/06/2019
Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai: Rất nản vì tình trạng con gà – quả trứng khi làm bất động sản
Kết thúc năm 2018, doanh thu Quốc Cường Gia Lai giảm hơn 2 lần về mức 351 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu bất động sản giảm từ 520 tỷ xuống 42 tỷ đồng. Đi cùng áp lực nợ vay khiến lợi nhuận sau thuế Công ty giảm hơn 9,5 lần từ mức 430 tỷ về chỉ còn 45 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc liên tục bày tỏ khổ tâm bởi những khó khăn về thủ tục, hồ sơ tại các dự án đang triển khai trên địa bàn Tp.HCM. Thậm chí, trong lần chưa sẻ gần đây bà còn cho biết mình từng muốn tự tử.
Hiện, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị tồn đọng với tổng quỹ đất ước tính khoảng 150 ha, liên quan chủ yếu đến các dự án Phước Kiển, Lavida, De Capella... Ghi nhận tại BCTC hợp nhất năm 2018, hàng tồn kho Công ty vào mức 7.520 tỷ, trong đó bất động sản dở dang hơn 7.063 tỷ đồng, phần lớn là các khoản chi phí tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án. Nợ phải trả Công ty gần 6.838 tỷ đồng, chiếm trên 62% tổng nguồn vốn.
"Chúng tôi rất đau đầu, doanh nghiệp cứ lẩn quẩn trong vòng xoáy pháp lý"
Tiếp tục "kêu than" tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 22/6/2019, bà Loan nói: "Chúng tôi cũng rất đau đầu, doanh nghiệp cứ ở lẩn quẩn trong vòng xoáy pháp lý. Nếu vấn đề pháp lý không được gỡ thì giá sản phẩm thành cao, sức mua không tốt và như vậy sẽ không có doanh thu".
Được biết, thị trường căn hộ cao cấp có cung nhiều hơn cầu nhưng lại thiếu sản phẩm trung và thấp cấp, Quốc Cường Gia Lai muốn đưa ra nhưng ách tắc pháp lý, người đứng đầu Công ty phân trần, "mình có muốn cũng không được!".
Theo ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai, những khó khăn về tiến độ pháp lý dự án đã ảnh hưởng và gây rất áp lực về dòng tiền Công ty. Kết quả, áp lực dòng tiền là lý do khiến Công ty không chia cổ tức 2018, Chủ tịch Loan hy vọng các cổ đông có thể chia sẻ với Công ty.
Chưa kể, theo nghị quyết, Công ty dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10%. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu trong năm không được tốt, nếu phát hành sẽ pha loãng và làm giảm giá cổ phiếu nên HĐQT đã không thực hiện phương án này.
Đặt kế hoạch cho năm 2019, Công ty kỳ vọng doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ 1.250 tỷ, tăng 171% và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2018.
Trong 3 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai đạt 378 tỷ doanh thu và hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tiếp tục giảm 87% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu cả năm, Công ty đã thực hiện được 30% kế hoạch doanh thu và 3% kế hoạch lợi nhuận.
Đi làm thủ tục dự án về nhiều khi chán không muốn làm
Như vậy, vấn đề trọng tâm của Quốc Cường Gia Lai tính đến hiện tại chính là sự ách tắc tại các dự án. Trả lời thắc mắc cổ đồng về tình hình thực hiện các dự án dang dở, bà Loan phân trần đã gửi công văn ra Tổng Cục Đất đai những vấn đề liên quan đến tất cả dự án.
"Nếu quý cổ đông là người đi làm thủ tục thì mới thấy khổ cỡ nào. Đến khi mình được cái này thì những cái mình đã được lại hết hạn. Cụ thể như dự án dự án Đa Phước không triển khai được, phân khúc này thị trường rất cần. Nếu cổ đông nghe thì xót ít, còn HĐQT xót nhiều. Có những lúc đi làm thủ tục vì mình chán hết muốn làm nữa. Từ năm ngoái đến năm nay vẫn chưa được tháo gỡ".
Điểm qua tiến độ tại một số dự án như Sông Đà, Công ty cho biết đã đền bù xong 100%, tuy nhiên đất do dân nắm giữ và mỗi ngày đòi giá tăng lên. Chưa kể, khi thông được rồi thì chấp thuận công nhận chủ đầu tư lại hết hạn, phải quay lại từ đầu; đây là tình trạng con gà - quả trứng, lãnh đạo cảm thấy rất nản.
Hay dự án Phước Kiển đã đền bù được 97% nhưng vẫn ách ở đất công xen cài, hiện tại việc có đấu giá hay không phải chờ cơ quan chức năng trả lời. Ban lãnh đạo chia sẻ rất lo, nếu luật đất xen cài không được tháo gỡ thì đến quý 2/2020 sẽ hết hạn chấp thuận chủ đầu tư.
Quang Huy
Theo Trí thức trẻ