15/07/2019
Theo quy hoạch, 4 bãi đậu xe ngầm trung tâm TP sẽ đáp ứng được 6.300 ôtô và 4.000 xe máy. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được triển khai.
Liên quan đến các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa giao Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan làm việc với Ngân hàng Thương mại CP Đông Á và Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (chủ đầu tư) để giải quyết chấm dứt hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dự án khai thác tầng ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng.
Đây là dự án "án binh bất động" gần 10 năm từ sau ngày động thổ vào năm 2010. Công trình có tổng vốn hơn 110 triệu USD với diện tích sàn hơn 100.000 m2, có sức chứa hơn 2.000 chỗ đậu xe máy, 1.250 chỗ đậu ôtô, 28 chỗ đậu xe buýt và xe tải.
Nguyên nhân dự án đình trệ suốt gần 10 năm được Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho là còn vướng nhiều vấn đề phải giải quyết như ký phụ lục hợp đồng, xin giấy phép xây dựng, trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công...
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết khu trung tâm TP được quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm ở Sân vận động Hoa Lư, sân khấu Trống Đồng, Công trường Lam Sơn và Công viên Lê Văn Tám.
Đây là các công trình đòi hỏi suất đầu tư rất lớn và gặp nhiều vướng mắc nên tiến độ bị chậm. Ngoài việc TP đang làm thủ tục chấm dứt hợp đồng dự án ở Công viên Lê Văn Tám, ông Lâm cho hay các dự án khác, Sở GTVT sẽ làm đầu mối chủ trì để làm việc với các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ.
Đối với dự án bãi đậu xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng (quận 1), lãnh đạo TP giao Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương về phương án triển khai.
Còn bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư (quận 1) và sân bóng đá Tao Đàn (quận 3), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Theo quy hoạch, 4 bãi đậu xe ngầm trung tâm TP sẽ đáp ứng được 6.300 ôtô và 4.000 xe máy. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được triển khai.
Quang Huy
Theo Người lao động